HP
Display

Sáng tạo ở Trường cao đẳng Công nghiệp cao su

 BP - Cùng với nhiệm vụ đào tạo, những năm qua, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su Bình Phước đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học. Qua 3 lần tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, trường có nhiều đề tài, mô hình, giải pháp đoạt giải cao bởi tính hiệu quả trong giảng dạy và có tính ứng dụng cao trong sản xuất, đời sống.

 TIẾT KIỆM CHI PHÍ, MỞ HƯỚNG ĐI MỚI
Tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ 3 (2014-2015), sáng kiến “Thiết kế mô hình học thực hành ghép giống cây trồng trong đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Quyết và Lưu Thị Thanh Thất đoạt giải 3. Sáng kiến cũng được Hội đồng khoa học tỉnh chọn dự thi hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 năm 2015. Thạc sĩ Nông học Nguyễn Văn Quyết cho biết: “Trong giảng dạy và nghiên cứu, tôi nhận thấy việc thực hành nhân giống cây trồng rất tốn kém chi phí đầu tư và bất tiện. Trong khi đó, mỗi học sinh, sinh viên trong suốt môn học phải thực hiện thao tác trên khoảng 300 gốc ghép. Khi ghép, học sinh, sinh viên cắm cây gốc ghép vào đất theo hàng; hai người ngồi giữ cho nhau ghép và người ghép phải kẹp gốc ghép vào ngón chân cái để thao tác. Hạn chế là gốc ghép không chặt, người giữ cây không ổn định, tiến độ giảng dạy kéo dài. Đó là động lực để sáng kiến ra đời.
Thạc sĩ Lê Văn Trường cùng học sinh tại vườn thực nghiệm
Thạc sĩ  Lê Văn Trường cùng học sinh tại vườn thực nghiệm
Chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân Nông trường cao su Tân Lợi (Công ty cổ phần cao su Đồng Phú) cho biết: Mô hình học thực hành ghép giống cây trồng giúp tôi có nhiều cơ hội rèn luyện thành thục thao tác. Mô hình có ưu điểm hạn chế làm gốc ghép, sử dụng lâu dài, không cần chôn gốc ghép xuống đất, không cần người phụ, chủ động thời gian thực hành. Bộ khung được thiết kế gọn, di chuyển dễ dàng.  “Thực hành ghép giống cây trồng” giúp trường tiết kiệm chi phí cho mỗi học sinh, sinh viên gần 400 ngàn đồng/2 năm đào tạo nghề. Trung bình mỗi năm khoa Nông học có khoảng 400 người theo học tại các lớp chính quy và tại chức thì số tiền tiết kiệm không hề nhỏ.
Được đánh giá cao còn phải kể đến “Kỹ thuật luyện rễ cây hồ tiêu bằng phương pháp thủy canh” của tác giả Lê Văn Trường. Nghiên cứu này mở ra hướng đi mới giúp người trồng tiêu trên đất Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung hy vọng một ngày không xa, cây tiêu có thể trồng trên đất thoát nước kém. Giải pháp đoạt giải khuyến khích hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 3 còn tiếp thêm động lực để thạc sĩ Trường tiếp tục nghiên cứu, chứng minh rễ tiêu có thể sống bình thường trong nước như cây thủy sinh tiến tới thâm canh cây tiêu bằng kỹ thuật thủy canh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật.
ĐỒNG HÀNH VỚI SÁNG TẠO
Ở hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước lần thứ 3, sáng kiến “Chế tạo vật liệu Composite, ứng dụng sản xuất tấm lợp chịu lực, siêu nhẹ từ rác thải khó phân hủy” của tác giả Hoàng Hải Hiền đoạt giải khuyến khích cũng được đánh giá cao về tính ứng dụng.
Thầy Lâm Quốc Trình, Phó hiệu trưởng cho biết: “Những sáng tạo đều mang tính ứng dụng, có thể phục vụ giảng dạy và chuyển giao công nghệ. Năm 2013, Đề tài “Nghiên cứu chế tạo sợi dây dẫn điện trên cơ sở cao su thiên nhiên” của tác giả Hoàng Hải Hiền lọt top 5 các công trình, đề tài, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu tại Festival sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ 6 được Trung ương Đoàn tuyên dương. Ngoài ra, 2 đề tài “Nghiên cứu tiết kiệm điện năng cho các nhà máy chế biến cao su thiên nhiên” và “Xác định TSC% và DRC của mủ nước, thiết lập bảng quy đổi TSC và DRC” của trường được Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam nghiệm thu và đánh giá cao. Trường còn tham gia xây dựng các danh mục thiết bị nghề cho Tổng cục Dạy nghề như: Chế biến mủ cao su, trồng cây công nghiệp, sơ chế mủ cao su, chế biến các sản phẩm mủ cao su”.
Qua 3 lần tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Phước, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su Bình Phước có 14 sản phẩm, mô hình, giải pháp đoạt giải, trong đó có 2 giải nhất, 4 giải nhì, 3 giải 3 và 5 giải khuyến khích. 
Với phương châm “Sáng tạo để đáp ứng nhu cầu đất nước” hằng năm, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su Bình Phước đều đưa hoạt động nghiên cứu khoa học vào quy chế để thực hiện. Bên cạnh đó, trường định hướng cho giáo viên, học sinh, sinh viên đề tài nghiên cứu, có khen thưởng và hỗ trợ kịp thời để chắp cánh cho ý tưởng sáng tạo trở thành những công trình nghiên cứu khoa học. Thầy Lâm Quốc Trình cho biết thêm: Mỗi năm, trường dành 50-200 triệu đồng cho nghiên cứu khoa học. Từ đó, trường đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, thúc đẩy đam mê sáng tạo của giáo viên, học sinh, sinh viên, góp phần hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong giảng dạy và chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
P.Dung (http://baobinhphuoc.com.vn/)

 

Chia sẻ: